Tôi đã từng đọc đâu đó một câu rằng "Hãy theo đuổi đam mê, thành công sẽ theo đuổi bạn" và quả thật suốt chặng thời gian ba năm trời từ khi ra trường đến bây giờ tôi đã được sống và theo đuổi niềm đam mê tại ESN. Cuộc sống thật sự ý nghĩa khi ta được sống, được ăn, được ngủ, được trải nghiệm với niềm đam mê đó. Để rồi có thêm một đơn hàng chợt thấy vui sướng, hay một hôm nào đó đơn hàng sụt giảm tôi thấy cảm giác thật tồi tệ và tìm mọi nguyên nhân của sự việc đang xảy ra kể cả việc thức cả đêm ngồi trao đổi online để phân tích. Đến nằm ngủ cũng mơ thấy đơn hàng, đi đường cũng tưởng tượng ra công việc. Đang nằm ngủ chợt nghĩ ra điều gì đó và bật dậy ghi ghi chép chép. Một ngày có 24h, chúng ta dành ra 8 tiếng để ngủ, 1 tiếng để đi đường, 1 tiếng cho việc lặt vặt, 9 tiếng ở công ty và chỉ còn lại 5 tiếng ở gia đình bên người thân. Chỉ khi ngồi viết ra chúng ta mới thấy thời gian ở công ty, bên cạnh các đồng nghiệp sẽ nhiều nhất và nhiều hơn cả thời gian bên người thân. Thật sự thì tôi không coi công ty là nhà, không coi đồng nghiệp là anh em mà tôi coi công ty là nơi tôi sống, là nơi tôi cháy hết mình vì niềm đam mê, đồng nghiệp cũng chính là bạn đồng hành trên con đường chinh phục đam mê đó. Đôi lúc tôi tự nghĩ, không biết liệu rằng khi sang một môi trường làm việc mới, một công việc mới tôi có còn được sống và cháy hết mình như đã từng hay không. Nếu cuộc sống sáng cắp cặp đi tối xách cặp về thì có lẽ cuộc sống sẽ vô cùng tẻ nhạt và lúc đó đơn thuần chỉ là tồn tại chứ không phải là sống. Ba năm, một thời gian không phải quá dài nhưng đủ để tôi học được nhiều thứ hơn cả 4 năm ở trường đại học, học được nhiều thứ hơn cả 22 năm trước đó. Ba năm, tôi được tiếp xúc với nhiều người, học hỏi từ họ nhiều thứ bổ ích cho tôi, những người đồng nghiệp, người anh, người chị đã chia sẻ cho tôi nhiều kiến thức kỹ năng mà tưởng chừng nơi nào đó ngoài xã hội kia rất nhiều người đang cố giữ riêng cho mình. Ra đi tôi không dám nói lời chia tay, không biết nói gì bởi lẽ tôi đã quá hiểu nơi này, quá hiểu những con người ở đây. Chắc chắn rằng một ngày đẹp trời nào đó tình cờ gặp lại những con người nơi đây chúng tôi sẽ lôi ngay vào quán bia làm vài cốc :) và chắc chắn rằng sau này khi con tôi sinh ra tôi sẽ tự hào đọc cho con nghe cuốn sách tự đời tôi và những con người nơi đây - ESN
Sở hữu một cửa hàng sách cũ toạ lạc mặt tiền số 180 Bà Triệu, được giới playbooker gọi bằng nhiều cách xưng hô thân thiện (lão, bố, thằng cha,...) và chắc hẳn nếu là người thật sự tìm hiểu và quan tâm đến sách thì chẳng một ai không biết lão.Thân hình bồ tượng, vai vuông như cái tủ lạnh, quần soọc chìa hai cẳng chân lông lá to như cái cột đình, mặt rỗ chằng, to như cái bánh bẻng, đầu lơ thơ lúc nào cũng sẵn sàng qua giai đoạn hói. Ấy là Dư già. Danh thiếp (mấy năm gần đây mới xuất hiện quả marketing này) ghi rõ Kỹ sư …Dư, điện thoại di động, địa chỉ cửa hàng… 
Tiếng lành đồn xa, tuy không sành về sách nhưng mình cũng loáng thoáng nghe danh của lão. Mình còn nhớ hồi đó đang học năm 2, tuy chuyên ngành kinh tế nhưng lại hay mò mẫm tìm hiểu về đông y nên thường ngày đi các hiệu sách cũ để sách về y học cổ truyền.Quyết định dành ngày nghỉ thứ 7 để làm chuyến khảo sát thực tế quán sách của Dư già và cũng là đi tìm mua vài cuốn y học. Đến nơi, dựng xe đạp trên vỉa hè, theo thói quen khi đến hiệu sách mình tìm đường phi thẳng vào kệ sách phía trong, chợt một thân hình khổng lồ chặn lại, Dư già trợn mẳt  với giọng hách dịch hét lên "Tìm sách gì ? ". Mình bảo đang cần tìm mấy cuốn sách về y học cổ truyền in trước 75. Lão đăm chiu như đang nghĩ ngợi gì đó rồi liếc nhìn con xe đạp dựng ngoài cửa của mình mặt nhăn nhúm trả lời như xua đuổi: "Mày có đủ tiền không mà đòi mua sách". Thật sự choáng với cách hỏi khách hàng của lão, lần đầu tiên mình gặp trường hợp như này. Mình hỏi đại một cuốn cũng đang muốn tìm: ở đây chú có cuốn Trang tử nam hoa kinh của Nguyễn Duy Cần không ạ, lần này lão cáu thật sự, nhìn mình rồi hét lên: 10 triệu, ko mua thì xéo. Mk, trong đầu mình lúc này đang hình dung lão là một thằng có vấn đề ko bình thường về thần kinh hoặc lão bị ám ảnh chuyện gì đó từ quá khứ để lại. Mình chuồn thẳng và từ đấy không bao giờ quay lại đó nữa.
Tình cờ mới đây qua cửa hàng sách cũ của ông bạn già ở chợ Nghĩa Tân chơi mình lại loáng thoáng thấy hình bóng thân quen ấy. Vẫn khuôn mặt đáng ghét đấy, vẫn cặp kính ngày xưa lão hay đeo và vẫn cái giọng ồm ồm như sẵn sàng chửi bới người khác. Lão vào quán lục tung cả mấy kệ sách, có vẻ đang săn lùng một cuốn nào đó theo đơn đặt hàng của khách. Cuối cùng lão cũng chọn mua được một cuốn sách với giá 25k, cuốn này ít nhất về gặp khách lão phải hét giá lên tầm 500k-1 triệu là ít. Giờ mình mới hiểu tại sao lão nổi tiếng khắp trong và ngoài nước, với chất lượng phục vụ có một không hai trên thế giới, thương hiệu sách Dư già đã vượt qua biên giới Việt Nam và vươn ra thị trường thế giới từ đó
Có mỗi th bạn chí cốt thì th ôn đấy nó bỏ mình sang Tây xuất khẩu lao động. Đi tiễn chán chả buồn khóc. 
Bảo chụp kiểu ảnh cuối thì chảnh chảnh chảnh xong làm mặt nhìn khó chịu nhẹ. Kiểu "đấm tôi đi" ý. b-(
M đi vội quá, bỏ qua mất màn ôm hôn thắm thiết sướt mướt, chỉ nhìn nhau chưa nói đc mấy câu thì đã phắn mẹ mất. T nhớ m lắm đấy th chó ạ. M ra đi để lại 1 chỗ trống ko thể lấp đầy trong trái tim t m có biết ko ?  CHuyển trường ko đc học cùng m nữa, ko đc gặp m thường xuyên t đã chán lắm r`, bây h 1 năm gặp 1 lần, nghĩ đã thấy nản. =(( h chán chán muốn đi chơi đ' biết gọi ai Sơn ạ. Hnào giàu giàu có điều kiện đ' biết rủ ai lên lake view ngồi uống sinh tố ăn khoai chiên nữa. Cũng đ' đc bám đít m mỗi lần đi chơi r` bắt m đèo về nữa r`. Chán quá đê. Bao h thì t lại đc ngồi nhà m ăn xôi ruốc vs xoài no nê như lần trc nhỉ ? Huhuuuuu. 
Hnay mang tiếng tiễn m đi xa mà a e mặt lạnh quá, đ' rơi nổi giọt nc mắt nào. M biết vì sao ko ? Vì đêm qua t khóc đủ r`. :(( Nhớ m lắm ý th chó. T vì sợ ngủ quên nên thức luôn đến 6h để đi tiễn m đấy. Yêu t ko đmmmmmmmmm !!
May mà hnay lúc a e đi về m cũng nt hỏi han, tâm trạng cũng phần nào an ủi. M đ' biết con đường đi về của bọn t thơ mộng hữu tình tnào đâu. Huhu. Ngồi trên xe bus th tâm lé lại còn điên điên luyên tha luyên thuyên kể chuyện vợ au của nó. Rõ đau đầu. :(( Bọn nó còn gọi t là Hòa Bôn vs Hòa chủ chê hay chú chê gì đấy. (Vì m lưu t trong đt là Hòa chucheeee ý. :X)

Thôi lạc mẹ đề r`. T còn nhiều thứ muốn làm vs m lắm Sơn ạ, ví dụ như đi ăn hàm long chẳng hạn. :-L Nhưng m lại ko có ở nhà nữa r`. Tiếc quá tại m đi hơi bất ngờ nên t chẳng tặng m đc cái gì làm kỉ niệm. Thôi hè năm sau về m mua t con iphone làm kỉ niệm tình bạn vậy nhé ? 
M sang đấy giữ gìn sức khỏe, học tốt, thích nghi nhanh nhé. T đang ko biết sẽ phải tưởng tượng 1 năm nữa m sẽ như nào đây.  Thôi chào chú anh đi ngủ, mệt quá.
 Đáng lẽ ra đây là một câu chuyện, một ký ức hay một kỷ niệm đặc biệt của riêng tôi mà tôi không có ý định chia sẻ với bất kỳ ai. Thế nhưng vết sẹo, nó đã khiến mọi người nhìn vào tôi với một ánh mắt, một cái nhìn nhiều khía cạnh đồng thời lấy cơ sở để đánh giá về về một con người. Cũng chính vì vết sẹo đó mà lần đầu gặp tôi ai cũng phải tránh nhìn trực diện và có cảm giác e ngại. Còn nhớ rất rõ lần tôi đi thi đại học, sự xuất hiện của tôi đã xua tan đi bầu không khí căng thẳng đang diễn ra tại hành lang phòng thi trước giờ làm bài. Các bạn nữ cùng phòng thi tụ tập bàn tán về vết sẹo trên trán của tôi, nào là trông kinh thế, ghê thế, nhìn sợ quá,…. đủ các lời bình luận.Tiếp theo đó là lần tôi mới đi làm, ai cũng tưởng tôi là một đứa từng trải, một thằng có máu mặt trong xã hội hay đại loại như là một thằng đầu gấu. Mọi người e ngại khi tiếp xúc và nói chuyện với tôi, chỉ khi mọi người hỏi thì tôi mới vỡ lẽ ra rằng tất cả mọi người xung quanh tôi đều coi vết sẹo trên trán đó như một vết tích của một cuộc ẩu đả hay một một trận oanh tạc nào đó. Ít ai biết được sự tình đằng sau vết sẹo đó là cả một câu chuyện dài về quá khứ, về thời thơ ấu ẩn chứa sự may rủi. Ngay đến nhân vật chính là tôi cũng chỉ còn nhớ sơ sơ bởi khi đó tôi mới 2 tuổi. Bằng tuổi tôi lúc đó liệu hiện tại bạn còn nhớ được điều gì không, tôi chắc chắn rằng số người còn nhớ chuyện trải qua hồi mình 2 tuổi là rất hiếm trừ khi sự kiện đó phải thật sự đặc biệt. Nhưng tất cả những điều đó với tôi thật sự không quan trọng lắm. Tôi ít khi quan tâm đến cảm nhận của người khác, đánh giá của người khác khi gặp tôi, bởi đó chỉ là quan điểm của cá nhân họ, họ có quyền đưa ra nhận định riêng của mình. Cho đến khi tôi gặp một người, người đã làm trái tim tôi rung động ngay từ lần gặp đầu tiên. Vậy có liên quan gì đến cái sẹo trên trán của tôi, đơn giản vì người đó sợ cái sẹo của tôi, đối với tôi điều này thật sự nghiêm trọng.

     Tôi viết văn không được tốt nên có thể những lời tôi viết hơi lan man và lòng vòng. Nhưng điều quan trọng, những lời văn đó đều là sự thật và nó chính là ký ức tuổi thơ của tôi.

    Tôi cũng không biết bắt đầu câu chuyện từ đâu bởi lẽ nguyên nhân của vết sẹo thì xuất hiện từ lúc tôi cất tiếng khóc chào đời. Ngay từ khi sinh ra trên giữa trán tôi đã xuất hiện một đầu mụn đỏ bằng hạt đậu, hình như bên trong toàn là máu. Nó là một phần thân thể tôi, lớn theo sự phát triển của tôi. Cho đến năm  lên 2 tuổi thì nó cũng đã lớn bằng quả trứng gà, được nhận định đây là một khối u máu và với trình độ khoa học công nghệ của Việt Nam lúc bấy giờ rất khó để chữa trị. Gia đình, người thân mỗi người một ý kiến khác nhau: người cho rằng nên mang tôi ra Hà Nội, có thể khoa học bây giờ sẽ chữa được hoặc một tia hy vọng mong manh của sự may mắn sẽ giúp tôi qua khỏi; nhưng đa số thì cho rằng, khối u này vô phương cứu chữa, bởi bên trong nó chứa toàn là máu, vị trí của nó lại là nơi tập trung rất nhiều dây thần kinh và ảnh hưởng trực tiếp đến não bộ. Trong lúc quê tôi vừa mới trải qua liên tiếp 2 năm lũ lụt, mất mùa, kinh tế khó khăn, hầu như nhà nào cũng thiếu gạo ăn, phải ăn cơm ghế củ chuối, khoai, sắn… nếu đưa tôi đi Hà Nội chữa trị thì biết lấy tiền ở đâu trong khi nhà vẫn thiếu cái ăn,… Khó khăn chồng chất khó khăn. Thế nhưng, dù rất khó khăn, dù hy vọng chữa trị chỉ là mong manh, ba mẹ tôi vẫn quyết vay mượn để đưa tôi ra Hà Nội chữa trị. Theo lời mẹ tôi kể lại, hồi đó trong làng có một gia đình khá giả đã cho mẹ mượn một chiếc vali và một chiếc xe đạp. Mẹ đã bán chiếc vali và xe đạp đó để lấy tiền đưa tôi đi mổ, hồi đó giá trị của chiếc xe đạp có thể đổi ngang lấy một khu nhà đất.

    Chuẩn bị đầy đủ tiền bạc và một ít đồ dùng cá nhân, mẹ tôi cùng một vài người khác chân ướt chân ráo đưa tôi lên Hà Nội chữa trị. Tôi được đưa đến bệnh viện K, là nơi chuyên chữa trị các bệnh về u bướu. Tại đây tôi đã được chuẩn đoán là u máu lành tính, có thể mổ bằng công nghệ lase mới được Liên Xô cũ trang bị và giúp đỡ. Sau khi được chuẩn đoán và tiến hành các thủ tục, ca mổ được tiến hành rất nhanh chóng. Tôi cũng không còn nhớ rõ cụ thể thế nào, chỉ biết lúc đó các bác sĩ dùng một mảnh vải đen, cắt thủng một lỗ vừa cái khối u trên trán, phủ kín đầu chỉ chừa ra khối u và dùng tia lase đốt khối u. Lúc đó tôi bị tiêm thuốc mê nên cũng chẳng biết gì, chỉ đến khi tỉnh dậy thì khối u đã biến mất như chưa có chuyện gì xảy ra; đầu tôi bị choáng váng khoảng 1 tuần sau đó thì bình thường trở lại. Tôi được xuất viện và trở về quê tiếp tục sống những ngày thơ ấu đầy kỷ niệm.

Thế nhưng, phần khối u đã được là phẳng không còn được bình thường như các vị trí khác. Giờ đây nó chỉ là một vùng da chết, một vùng ko tồn tại sự sống và cảm giác. Tôi lớn lên từng ngày theo thời gian, nhưng cũng chính từ đây vết sẹo bắt đầu hình thành. Khu vực xung quanh khối u vẫn phát triển bình thường, riêng phần khối u đã là thì không thể phát triển bởi nó đã chết, da bắt đầu nhăn nheo và bị lõm dần, vết sẹo  ngày càng rõ rệt. Nhưng đối với tôi, cho dù vết sẹo làm cho khuôn mặt tôi bị xấu xí hay đáng sợ thì vẫn không hề gì, bởi lẽ cho đến bây giờ tôi vẫn còn được sống, đó đã là một điều kỳ diệu hay có thể coi như một phép mầu. Nó là thành quả nỗ lực bền bỉ của ba mẹ và người thân tôi, tôi luôn trân trọng và coi nó như một phần ko thể thiếu trong cơ thể, trong cuộc đời mình. Xin cảm ơn ba mẹ đã giành giật lại sự sống cho con từ tay tử thần, đã cho con cơ hội được sống, được học tập như hôm nay.

    Mấy ai hiểu được rằng đằng sau những vết sẹo dị dạng, đằng sau những hình thù xấu xí có thể là một nỗi bất hạnh, một nghị lực chiến đấu không ngừng nghỉ,… Đừng vì những hình thù bên ngoài mà vội xét đoán hay đánh giá về nhân cách của một con người.
Tuổi thơ thật đẹp, nghĩ về những kỷ niệm đó mà tôi chỉ biết mĩm cười một mình, tuổi thơ thật kỳ diệu. Chắc hẳn ai trong chúng ta cũng đều có những kỷ niệm khó quên về một thời thơ ấu. Hẳn không riêng gì tôi mà tất cả những ai đã từng trải qua độ tuổi này đều có những câu hỏi và những ý nghĩ rất kỳ quặc và táo bạo, không ít câu hỏi đã khiến cho bố mẹ phải rất khó khăn để đưa ra được câu trả lời, thậm chí đa số là không trả lời được. Cho đến bây giờ, khi đã lớn và được tiếp cận với nhiều kiến thức khoa học mới để mong tìm ra đáp án cho những câu hỏi đó nhưng có nhiều câu hỏi vẫn chưa có lời giải đáp, và tôi biết được rằng ngay cả đến các nhà bác học vẫn chưa tìm ra được câu trả lời.
Tôi còn nhớ rất rõ về những buổi tối ngồi hóng mát cùng ông nội, những buổi đi dạo cùng ba mẹ tôi, chính những lúc có cơ hội tiếp cận họ hay bất kỳ ai mà tôi tin tưởng tôi đều đặt ra câu hỏi. Những câu hỏi oái ăm mà không ai ngờ rằng đó lại là câu hỏi của một đứa trẻ, có lẽ họ còn chưa từng nghĩ đến câu hỏi này: Tại sao con lại sinh ra trong nhà mình?, tại sao con lại sinh ra ở nơi này?? , tại sao con lại là con của bố mẹ mà không phải con của người khác? , tại sao con không sinh ra trong một gia đình giàu có mà lại sinh ra trong gia đình nghèo?, tại sao bố mẹ lại phải đi làm? , tại sao con lại phải học?, tại sao cây chanh lại gọi là chanh mà không gọi cái tên khác?, tại sao lại phải chiến tranh?,.... Đó chỉ là một vài câu hỏi trong muôn vàn câu hỏi tôi đặt ra cho ba mẹ và ông nội tôi mà đến giờ tôi còn nhớ. Và với những câu hỏi này tôi đều nhận được câu trả lời chung chung là, cái đó sau này con lớn lên con sẽ biết. Nhưng thật sự cho đến giờ nhiều câu hỏi vẫn còn là điều bí ẩn.
Khi tôi bắt đầu xa nhà đi học ĐH, tôi đã có ý nghĩ ngay đến việc đi tìm câu trả lời cho những bí ẩn đó bởi Hà Nội là nơi có rất nhiều sách (đó là ý nghĩ của tôi hồi đó). Những buổi chiều tan học về lang tháng với chiếc xe đạp dọc theo những vỉa hè bày sách la liệt khiến tôi mê mẩn không bước nổi chân. Không hiểu sao từ nhỏ tôi cứ nhìn thấy sách, dù không biết có đọc được ko, có ích cho tôi ko là tôi đã thích thú không muốn rời xa, lớn lên cũng ko thay đổi được niềm đam mê đó. Gần như tất cả tiền bạc ba mẹ cho để trang trải cho việc học tôi nướng hết vào các tiệm sách vỉa hè, tôi mua bất kể cuốn nào tôi cho là nên mua và nên đọc. Cứ mua được cuốn nào là đêm đó về nhà tôi phải thức để đọc hết nó, mong tìm cho ra câu trả lời bí ẩn thời thơ ấu. Nhưng rồi cơ duyên cũng đến khi tôi gặp được người giải thích cho tôi về những câu trả hỏi được cho là ngớ ngẩn kia. Tất cả niềm tin vào khoa học, vào sự phát triển của công nghệ tương lai dường như bị sụp đổ khi tôi bị thuyết phục bởi những tư tưởng triết học trong Phật giáo đã giải thích được tất cả những câu hỏi mà tôi cho là khoa học sẽ chẳng bao giờ trả lời được. Từ đó cuộc đời tôi bước sang một trang mới. Tôi bắt đầu trên con đường tìm hiểu về những tư tưởng vĩ đại này, những tư tưởng đã cho tôi lời giải đáp hết sức thuyết phục...
Xin được mượn tiêu đề cuốn tiểu thuyết nổi tiếng của nhà văn Phùng Quán để ngược dòng thời gian trên chuyến tàu về ký ức thăm lại tuổi thơ tôi. Một ký ức mà chắc không riêng gì tôi mà trong mỗi chúng ta đều tồn tại và ẩn hiện từng ngày. Những ký ức vụn vặt tưởng chừng như rất đơn giản nhưng nó đã theo đuổi tôi suốt hơn 20 năm qua và giờ đây mỗi lần nhắc đến là trong tôi không khỏi bồi hồi xúc động hồi tưởng về nó, về những ngày ấu thơ trong tôi.
Bồi hồi xúc động trên chuyến tàu quay về quá khứ 20 năm trước hình ảnh lại hiện về trong tôi. Điều đầu tiên làm tôi nhớ đến chính là phiên chợ quê, mỗi buổi sáng có phiên chợ (chợ quê tôi họp vào ngày lẻ theo lịch âm) là anh em tôi lại ra đường đứng nhìn về xa xăm ngóng trông mẹ đi chợ về để lấy quà. Tôi còn nhớ rõ vì thói quen này mà tôi đã phải đi học chậm mất một năm: hồi đó tôi chưa đến tuổi đi học mẫu giáo nhưng vì nhà lúc đó có 2 anh em, anh tôi hơn tôi 2 tuổi nên mẹ cho cả tôi đi học cùng anh. Ngày đầu đi học cùng anh cũng là ngày tôi khóc nhiều nhất. Hồi đó tôi mới 4 tuổi, ở quê tôi 5 tuổi mới cho đi mẫu giáo; hôm đầu đến trường ngược lại với bản tính lỳ lợm và gan dạ của ông anh thì tôi lại rất nhút nhát và đòi mẹ phải ở lại học cùng dù cho mẹ có dỗ dành đủ kiểu kết hợp với món đòn roi như thường lệ. Ngày đi học thứ hai cũng không hơn ngày đầu là mấy, tôi vẫn khóc tuy nhiên lần này được mẹ hứa là ở lại học rồi mẹ đi chợ mua bánh, hôm đó lại có phiên chợ. Thế là tôi ngoan ngoãn ở lại học cùng anh, nhưng cũng chẳng được lâu, vì trường học ở ngay cạnh đường cái nên giờ ra chơi lúc đang nô đùa cùng bạn bè thì bất chợt tôi nhìn thấy mẹ đi chợ về ngang qua. Tôi như con thiêu thân chạy theo sau xe đạp của mẹ chạy về dù cho ăn đủ đòn roi nhưng vẫn không chịu quay lại lớp. Vậy là kết thúc năm mẫu giáo bé, chỉ đi học được 2 hôm.
Lại một năm được ở nhà chơi không phải đi học nhưng rồi thời gian đó cũng trôi qua rất nhanh. Anh tôi lên mẫu giáo lớn còn mình tôi lại phải học lớp mẫu giáo bé, tuy vẫn còn khóc nhè không chịu đi học nhưng đều bị khuất phục bởi những trận đòn roi của mẹ tôi. Lúc tôi kết thúc lớp mẫu giáo bé cũng là thời điểm anh tôi lên lớp một. Ba mẹ tôi muốn hai anh em học cùng lớp cho vui và cũng dễ đưa đón nên đã cho tôi bỏ qua lớp mẫu giáo lớn và xin cho tôi lên thẳng lớp 1 cùng anh. Ngày đầu đi học mẹ tôi đưa 2 anh em đi khai giảng, những bỡ ngỡ buổi ban đầu đi học tiểu học quả thật khác xa so với học mẫu giáo. Mỗi bạn có một cặp sách, một bộ quần áo mới để đi học. Chỉ riêng hai anh em tôi, vì nhà nghèo nên ba mẹ tôi chỉ mua được có một bộ sách giáo khoa, một cái cặp cho 2 anh em học chung. Tôi cũng chẳng nhớ nổi là lý do vì sao, có thể vì không có cặp sách hoặc có thể vì đòi mẹ ở lại học cùng (ngựa quen đường cũ) mà tôi lại chỉ đi học được có 2 buổi. Sau đó lại được ở nhà chơi dài.
Ở nhà có một mình cũng chán, mỗi ngày tôi đều ra đầu ngõ đứng ngóng trông anh trai đi học về, phải nói là cảm giác chờ đợi thật là hạnh phúc.
Hồi đó nhà tôi rất nghèo, cơm ăn còn không đủ. Tôi vẫn còn nhớ mỗi bữa ăn đều có kèm theo củ chuối ghế cơm (cũng không có khoai hay dong) vì củ chuối sẵn trong vườn. Trước mỗi bữa cơm anh em tôi cùng bố ra vườn để đào củ chuối, cho vào nồi cơm và ghế. Tuy nghèo đói nhưng hầu như rất ít khi anh em tôi phải ăn củ chuối. Ba mẹ bao giờ cũng nhường cơm cho anh em tôi, và ăn phần củ chuối ghế. Nghĩ lại tôi lại càng thương yêu ba mẹ hơn. Có lẽ vì đã trải qua những hoàn cảnh khó khăn của cuộc sống như vậy nên giờ đây khi đã kiếm ra tiền những lúc đi ăn hay đi chơi tôi thường nghĩ về những khó khăn ngày xưa. Nhưng tôi lại luôn ước ao được trở về thời ấu thơ, cùng nô đùa cùng bọn trẻ con hàng xóm, cùng ăn những bữa cơm đạm bạc với gia đình đầm ấm, mỗi buổi tối lại được nghe ông nội kể chuyện ngày xưa, mỗi sáng mai lại được ra đường ngóng trông quà chợ, rồi buổi trưa trốn ngủ trưa đi câu tôm,…
Tôi luôn mong mình có một điều ước và tôi sẽ ước được trở về tuổi thơ, dù phải đánh đổi tất cả những gì quý giá nhất. Đối với tôi tuổi thơ quý giá hơn tất cả.
Ai trong chúng ta cũng đều có một tuổi thơ dữ dội. Nếu ai đọc được bài này hãy cùng chia sẻ tuổi thơ của mình để hồi tưởng lại một ký ức đẹp.
Cứ mỗi độ xuân về là tôi lại có dịp trở về tuổi thơ của mình. Bắt đầu là một cuộc hành trình dài bằng xe máy hơn 200km, từ TP. Hồ Chí Minh đi xuyên qua những miền quê yên ả - thanh bình: Nhơn Trạch – Mỹ Xuân – Ngãi Giao – Hoà Bình – Xuyên Mộc – Bình Châu – Lagi – Tiến Thành và …miền tuổi thơ, cách TP. Phan Thiết 23km. Cái mùi quê, hương quê đượm nồng hai bên đường, tôi hít thật sâu, lòng tràn ngập sảng khoái.Tôi lại về Trạm xá, nơi tôi chào đời cách đây 32 năm. Đứng nhìn và mỉm cười. Một niềm vui khó tả. Rồi lại tiếp tục đi trên con đường mà ngày xưa mình đã từng chạy nhảy, bông đùa cùng với những trò chơi nghịch ngợm và đầy thú vị: đu xe bò, bắn bi, đi bắt dế, thả diều, trèo cây mít nhà ngoại, và nhất là những lần hái ổi trộm bị rượt chạy xịt khói, nhưng đầy khoái trá và thú vị… Tôi dừng lại bên đường, ghé vào một cây ổi, hái vài lá ổi, chà xát vào hai lòng bàn tay, rồi đưa lên mũi và… vùng trời tuổi thơ xuất hiện. Những trái ổi hái trộm ngày xưa đã hiện về, một cảm giác khoan khoái đến say lòng.
Có thể nói những ngày xuân là những ngày đẹp nhất trong năm của tôi vì đó là khoảng thời gian mà tôi có nhiều thời gian nhất để hoà mình với thiên nhiên, ngắm nhìn nắng chiều trải dài trên đồng ruộng với những chú trâu hiền lành, trên những dòng sông nhỏ, những vườn cau thanh thanh đậm chất Việt, rồi những dãy núi xa xa đầy quyến rũ. Nhất là hành trình leo núi Tà Cú, nằm võng đọc sách giữa rừng núi cùng với trời xanh mây trắng và tiếng chim hót, và chờ đợi nhìn hoàng hôn lặng sau dãy núi…


Tôi lại đợi chờ một mùa xuân nữa… ngũ lại một đêm nơi mình chào đời…

Cánh diều tuổi thơ (thơ con khỉ )

Diều tung tăng lộng gió

Ta tung tăng cõi lòng

Thấy gì qua cánh diều

Ta thấy được tuổi thơ

Ôi, tuổi thơ thật đẹp

Đẹp! Đẹp thật tinh khôi.

(Hoàng Nhơn)

(Cảm tác tại Củ Chi – 2004, về thăm một người bạn)